Vì sao lãnh đạo ngân hàng đầu tư mạnh cổ phiếu?

Tiến sĩ Hiếu phân tích thêm, việc các lãnh đạo ngân hàng đua nhau mua vào cổ phiếu sẽ có tác động nhất định đến thị trường cả tích cực và tiêu cực. Bởi khi mua

Mới đây, người thân của ông Lô Bằng Giang, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank, đã đăng ký mua tổng cộng hơn 110 triệu cổ phiếu nhà băng này, tương đương hơn 8,4% vốn điều lệ thông qua giao dịch thỏa thuận hoặc nội bộ.

Nếu giao dịch thành công, ông Giang và người nhà sẽ nắm giữ hơn 8,5% vốn điều lệ tại VPBank và trở thành nhóm cổ đông lớn nhất ở ngân hàng này (ông Giang hiện đang sở hữu hơn 1,4 triệu cổ phiếu của ngân hàng, tương đương 0,13%).

Hiện tại, cổ đông lớn nhất của VPBank là ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT đang nắm giữ hơn 37,88 triệu cổ phiếu, tương đương 4,12% vốn điều lệ.

Diễn biến tương tự cũng xảy ra với cổ phiếu LienVietPostBank. Sau khi ông Dương Công Minh rời vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, cổ đông lớn nhất là Công ty Him Lam – nơi ông Minh sở hữu 99% vốn cũng thông báo thoái toàn bộ 15% vốn nắm giữ, tương đương gần 97 triệu cổ phiếu LienVietPostBank.

Trong thời gian này, hàng loạt giao dịch cổ phiếu liên quan tới các lãnh đạo cấp cao đã diễn ra, hầu hết là mua vào với khối lượng lớn.

Theo đó, ông Phạm Doãn Sơn – Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc – đã mua hơn 11,78 triệu cổ phiếu LienVietPostBank (sau hai lần giao dịch). Ông Nguyễn Đình Thắng – Phó chủ tịch cũng mua thỏa thuận 23 triệu cổ phiếu. Hai phó tổng giám đốc là ông Hồ Nam Tiến và ông Bùi Thái Hà đăng ký mua vào lần lượt 6 triệu và 5,2 triệu cổ phiếu, tương đương lần lượt 0,93% và 0,8% vốn tại nhà băng này.

Mới đây, LienVietPostBank cũng thông báo liên quan tới 4 cổ đông với các giao dịch thỏa thuận đăng ký mua hơn 10 triệu cổ phiếu nhưng bất thành gồm ông Nguyễn Hoàng Duy (con trai Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng), bà Nguyễn Minh Trang (con gái Phó chủ tịch Nguyễn Đức Cử), hai Phó chủ tịch là ông Phạm Doãn Sơn và ông Nguyễn Đình Thắng.

Tại Sacombank, trước đó theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, ông Kiều Hữu Dũng – nguyên Chủ tịch và ông Nguyễn Văn Cựu – Thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng này cũng đăng ký mua lần lượt 300.000 và 500.000 cổ phiếu. Với thị giá của STB hiện nay, tổng giá trị giao dịch đạt gần 10 tỷ đồng.

Cả hai nhân sự cấp cao của Sacombank đều đăng ký giao dịch với mục đích đầu tư, trong khoảng thời gian từ 3/3 đến 1/4/2017. Trước đó, ông Dũng và ông Cựu đều không sở hữu cổ phiếu của ngân hàng.

Nhìn nhận về động thái trên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có các nguyên nhân chính sau. Thứ nhất, theo ông Hiếu đây đơn thuần là mục đích đầu tư. Những người này đang hướng đến giá trị gia tăng của cổ phiếu ngân hàng khi thời gian qua, cổ phiếu ngành này liên tục hồi phục và khởi sắc. Do đó, những lãnh đạo ngân hàng cũng như người thân của họ khi có cơ hội là sẽ mua vào.

Thứ hai, động thái liên tục mua vào có thể còn nhằm mục đích tập trung “quyền lực” của họ tại ngân hàng. Bởi bên cạnh yếu tố lợi nhuận đầu tư, việc gia tăng nắm giữ cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn, có vị trí nhất định tại ngân hàng là điều rất quan trọng với các lãnh đạo nhà băng.

Tiến sĩ Hiếu phân tích thêm, việc các lãnh đạo ngân hàng đua nhau mua vào cổ phiếu sẽ có tác động nhất định đến thị trường cả tích cực và tiêu cực. Bởi khi mua với số lượng lớn, một mặt sẽ giúp đẩy giá cổ phiếu ngân hàng lên, nhưng cũng không loại trừ hiện tượng làm giá.

Nhìn nhận xu hướng sắp tới, ông Hiếu cho rằng hoạt động mua cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp diễn. Vì nghị định 42 về xử lý nợ xấu đã được ban hành, khả năng các ngân hàng sẽ xử lý nợ xấu triệt để hơn. Khi đó, triển vọng cổ phiếu ngân hàng là rất tốt. Chưa kể, Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh giảm lãi suất điều hành giúp mặt bằng lãi suất chung hạ.

“Điều này càng giúp nguồn vốn chảy mạnh vào cổ phiếu. Đặc biệt, nếu VnIndex tiến tới ngưỡng 800 điểm thì hoạt động mua vào cổ phiếu ngân hàng càng sôi động hơn”, ông Hiếu dự báo.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *