Những “chiêu thức” đầu tư kinh doanh độc đáo (P.4)

Trước khi xuất chuồng, thỏ được đưa qua công đoạn… sơn tút lại bằng loại sơn phun đặc chế, không phai khi dính nước.

Nghề kinh doanh… cảm giác

Năm 2007, tôi có dịp may đi lãnh giải thưởng tại một khách sạn lớn ở Sài Gòn. Sau lễ lạt, ban phát giải thưởng là tiệc mặn kiểu phương đông. Sáu người một mâm, mâm tôi ngồi chỉ có hai anh của giới viết lách, còn bốn Mít-xì-tờ (Mr) là VIP.


Bữa tiệc đi được một phần đường thì hoạt náo viên của nhà bếp ra.

Ông này mặc một bộ đồ lớn, kiểu như cái váy rộng của đạo sỹ, trắng toát từ đầu đến chân. Đầu trọc lốc, ông chào mọi người bằng một tràng tiếng Anh mà nghe qua, ai nấy đều biết là người gốc Ấn.

Sau đó ông trở lại nói bằng tiếng Việt. Ông giới thiệu mình là đầu bếp chuyên món rắn quý vừa từ Ấn Độ sang. Miệng nói, tay ông từ phía sau chuyển ra đằng trước lôi theo một chú hổ mang chúa to đùng, cuốn quanh cánh tay, cái đầu nằm gọn trong bàn tay ông, thò ra chừng 20cm.

Sau khi thuyết minh một tràng về những gì bổ béo, lợi ích của món ăn dành cho vua chúa này, ông gật đầu lễ phép chào quan khách. Con rắn chừng 2kg trong tay ông cũng lễ phép “kính chào” theo bằng cử chỉ gật gù rất điệu nghệ.

Ông cho biết giá con rắn này là 2 triệu (năm 2007 – nếu quy từ giá vàng, bằng khoảng 7 triệu bây giờ) nếu thực khách hài lòng, ông sẽ chế biến tại chỗ. Một VIP tỏ ra sốt sắng, “ok” ngay.

Ông đầu bếp nhanh nhẹn rút chai rượu trong vắt trong túi áo dài ra, rót vào cái li cao một lượng chừng 100cc. Xong, ông xin phép quý khách “hóa kiếp” cho con rắn quý ngay trên bàn.

Cô tiếp viên hiện ra rất đúng lúc, đặt chiếc thớt gỗ trắc nho nhỏ lên bàn. Ông kia gí đầu con rắn xuống thớt, rút rao “kếch” nhẹ một cái đứt đầu rắn. Ông hứng huyết rắn vào li rượu chuẩn bị sẵn, cung kính mời quan khách rồi nhanh nhẹn trở vào bếp.

Một phút sau, ông trở lại bàn tiệc đem theo con rắn đã lột da, những lằn thịt trắng hồng vẫn phập phồng oan ức. Chỉ năm phút sau, món thứ nhất đã lên đĩa, mùi thơm ngạt ngào tỏa lan…

Tan tiệc trở về, tôi xuýt xoa về bữa thịt rắn vừa ngon vừa độc đáo thì một VIP ngồi cạnh mỉm một nụ cười đa nghĩa. Căn vặn hoài, tôi mới tá hỏa khi biết qua vị doanh gia gốc Hoa này và mới biết rằng, cả nhóm vừa trải qua một trò bịp siêu thông minh.

Con rắn “kính chào quý khách”, cuốn quanh tay vị “đạo sỹ” kia không hề chết!

Khi cô tiếp viên cầm cái thớt chen vào đặt lên bàn, khi vị “đạo sỹ” kia dùng chưa hết một phần tư giây đồng hồ chùng tay xuống dưới mép bàn sẽ buông ngón tay ra, con rắn “nghệ sỹ” kia đã kịp rút đầu ra và giấu vào đâu đó rất lẹ.

Một con rắn ri cá hoặc rắn mồng bình thường nào đó giấu trong người, nãy giờ nằm trong cái áo thụng kia, cái đầu được cột gần vị trí tay áo, sẽ được nhà ảo thuật này móc ra chặt thay cho con rắn vằn vện kia.

Từ khoảnh khắc này, “khán giả” đang chúi mũi vào li rượu và món khai vị dọn sẵn trên bàn nên không để ý gì nữa.

Một phút vào bếp rồi trở ra chính là khoảng thời gian để “đạo sỹ áo rộng” trả… tự do cho con rắn “nghệ sỹ” và lột phăng da con rắn tội nghiệp mua về từ An Giang cỡ hơn 100.000 đồng/kg để thế mạng!

Mới biết, rắn giả nhưng cảm giác ngon miệng thì thật khi ngồi ăn giữa không khí trang trọng của một khách sạn nhiều sao giữa Sài Gòn.

Thực ra, món ăn từ rắn nước, rắn ri cá cũng rất ngon. Loài động vật ưa vận động và chuyên ăn cá này thơm thịt, dễ xực ra trò. Có điều nó không biết “kính chào quý khách” nên không sống được lâu như chú rắn xuất đầu lộ diện ban nãy!

Mới hay, trong khối nghề nghiệp thuộc dòng dịch vụ, phàm nghề nào đem lại cảm giác hài lòng cho khách, nghề đó có siêu lợi nhuận. Món rắn nọ rắn kia này, chỉ riêng tiền chênh lệch ở khâu nguyên liệu (giá rắn) phải tới gần hai triệu, nhưng thực chất, cộng thêm màn ảo thuật nữa là quý khách vui hết biết; và cuối cùng không “chết thằng tây” nào như cách nói giỡn của mấy bà ngoài hẻm nhỏ.

Thăm vườn một “nghệ sỹ nông dân”

Ngã ba ông Đồn nổi tiếng, đi thêm mươi cây số nữa là vào kế vùng đất của trại giam Z30 quản lý.

Đường vào trại thỏ
Tại đó, bạn sẽ thấy một trang trại làm cái việc có một không hai là nhận gia công… thỏ!

Khác với các nhà làm heo rừng ở bài trước, ông này không hề đụng dao kéo vào con vật nhưng vẫn biến thỏ nhà thành thỏ rừng ngon lành.

Tài của ông qua mặt mấy nhà hàng trên Sài Gòn dễ như bỡn và vì vậy, đơn đặt hàng hơi bị nhiều. Ông bèn phát triển bằng cách ra Hưng Nhơn – Trảng Bom đặt thêm vài chủ chuyên nuôi thỏ lai, cấp nguồn để “hóa thân” cho lũ thỏ này giống với tổ tiên chúng từ thuở hồng hoang.

Tất cả thỏ nuôi, thỏ nhập để “hóa” phải là thỏ đực, trọng lượng chừng 2,5-3 kg là vừa. Khi tuyển xong một đội chừng ba chục con, ông bỏ đói hai ngày rồi cho ăn cây đậu nành là thứ đã chuẩn bị ở vườn bên, không cho ăn chất bột nữa.

Thỏ đói, nay vớ được gì ăn nấy. Chất xơ nhiều làm biến nổi cơ năng của thỏ, thỏ mạnh hơn, nhanh hơn.

Nửa tuần sau, cứ mỗi đàn thỏ trong một khuôn viên chừng nửa héc-ta ông thả vào một con chó to. Con chó này rất kỵ thỏ, thấy là đuổi bắt nhưng khi thỏ chạy về đến “nhà”, chui tọt vào những lỗ quy định, nó không thể chui theo. Sau đó, chủ thu hồi chó, thả thỏ ra cho ăn tiếp, được nửa chừng lại cho ra đuổi.

Sau một tuần đuổi bắt như vậy, thỏ dài mình, dày da, khôn hẳn lên và chó không sức chộp được nữa.

Nửa tháng sau, thỏ hao đi nửa ký nhưng bán với giá thỏ rừng thì lợi bằng một ký hơn. Một đàn thỏ độ trăm con, sau nửa tháng đem lại cho chủ 4-6 triệu lợi nhuận so với giá thỏ nhà.

Trước khi xuất chuồng, thỏ được đưa qua công đoạn… sơn tút lại bằng loại sơn phun đặc chế, không phai khi dính nước.

Giới nhà hàng kiểm tra chất lượng thỏ bằng cách kiểm tra lớp da dưới bụng.

Da mỏng, làm lông xong có thể nhìn lấy ngũ vị lòng bòng ở trong, chọc khẽ ngón tay là bục bụng. Nhưng thỏ đã qua “ảo thuật”, bảo đảm da dày hơn nhiều, vò thoải mái. Nếu được chế biến theo những thực đơn tử tế, có khi còn ngon hơn thỏ rừng thứ thiệt không chừng!

Hoan hô nông dân! Rừng ngày càng cạn kiệt nhưng thịt rừng thì vô vàn, chỉ cần khách có tiền và… chưa đọc bài này.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *